Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Bất đẳng thức giáo dục: 2 nhỏ hơn 1

Hội nghị quán triệt Nghị quyết TW 8 khóa 11 và tổng kết năm học 2012-2013 các trường CĐ - ĐH do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 28/12 với sự tham dự và chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. 
Phát biểu tại hội nghị ông Vũ Đức Đam nói đại ý: “Đổi mới giáo dục trước hết phải thực hiện ngay tại Bộ GD-ĐT…”.
Vì ai cũng biết nên không cần nhắc lại quy định tự chủ tuyển sinh trong Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên cần nêu rõ ở đây ba quan điểm chỉ đạo của Đảng thể hiện trong  nghị quyết số 29-NQ/TW (NQ29): 
1. “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học…”;
2. “Đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo…”;

3. “Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; phát huy vai trò của hội đồng trường…”.
Quan điểm này đã được bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT thể hiện trong thư gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, và cũng được Hiệp Hội các trường CĐ-ĐH ngoài công lập, dưới sự lãnh đạo của GS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề cập trong phương án thi tốt nghiệp phổ thông với 8 môn gửi Bộ GD&ĐT.
Trước kỳ tuyển sinh năm 2013, Bộ GD&ĐT đưa ra chủ trương kéo dài kỳ thi 3 chung đến năm 2015. Sau khi có nghị quyết hội nghị TW8 khóa 11 Bộ đưa ra chủ trương cho các trường tự chủ tuyển sinh đồng thời dự kiến kéo dài 3 chung đến năm 2017. Để củng cố cho chủ trương này, Báo Giáo dục và Thời đại ngày 26/12/2013 còn cho đăng bài với tiêu đề: “Giữ nguyên thi 3 chung, thay đổi cách ra đề”.
Đưa ra quan điểm, ai cũng có cái lý của mình, Bộ GD&ĐT dựa vào yêu cầu đảm bảo chất lượng, dựa vào ý kiến số đông các trường công lập không muốn thi riêng, ở phía dư luận xã hội mà đại diện là hai vị nguyên Bộ trưởng thì dựa vào luật và chỉ đạo của TW. Chỉ cần nói như thế cũng đủ thấy đâu là đúng, đâu là chưa đúng, đâu là sức ì quá lớn mà chủ trương cải cách giáo dục còn phải đương đầu.
Có lẽ mong muốn của hai vị nguyên Bộ trưởng sẽ khó mà làm thay đổi được phương án dự kiến của đương kim Bộ trưởng, nếu như thế theo cách biểu diễn toán học, xã hội sẽ nhận được một bất đẳng thức 2<1 (2 nhỏ hơn 1). Có thể rồi một ngày nào đó, chẳng hạn sau khi nghỉ hưu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lại có quan điểm giống như hai nguyên bộ trưởng đã nêu, và biết đâu giáo dục nước nhà lại nhận thêm bất đẳng thức mới: 3<1 (3 nhỏ hơn 1).
Con tàu Giáo dục qua mấy chục năm đã già nua, cũ kỹ, nguy cơ đối với 22 triệu hành khách (thầy cô và học trò) đang hiển hiện trước mắt. Đảng và nhà nước đã tạo ra hai chiếc phao cứu sinh rất tốt là Luật Giáo dục đại học và Nghị quyết 29, sao lãnh đạo ngành không sử dụng mà cố giữ lại con tàu cổ lỗ ấy? Phải chăng đã là thuyền trưởng thì phải “là người cuối cùng rời tàu khi tàu bị nạn?”.
Phát biểu tại Học viện Báo chí-Tuyên truyền, Bộ trương Phạm Vũ luận cho rằng: “Triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT là vô cùng khó, trong đó khó nhất là thay đổi được tư duy và nhận thức… Quan điểm của Ngành là không đợi đến khi có đủ điều kiện mới bắt tay thực hiện” (Giáo dục & Thời đại Online, 26/12/2013).
Nói được như vậy nghĩa là Bộ trưởng đã rất thông suốt, đã nhận thấy đâu là mục tiêu mà đổi mới phải kiên quyết loại bỏ. Đáng lý ra Bộ  nên “nói đi đôi với làm” nghĩa là hãy thực hiện ngay chủ trương của Đảng: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông…, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”. 
Gần đây Bộ có chủ trương: “Từ nay tới năm 2017 vẫn duy trì thi “ba chung” đối với các trường chưa đủ điều kiện thi riêng” (Giaoduc.net.vn 27/12/2013). Cũng nên nhắc lại rằng trong số hơn 300 trường CĐ-ĐH công lập đến nay mới chỉ có ĐHQG Hà Nội dự kiến phương án tuyển sinh riêng sẽ thực hiện trong năm 2014 (Vietnamnet 5/12/2013). 
Nếu tính cả các trường khối nghệ thuật đã được cho phép thì cũng chỉ khoảng hơn chục trường. Một khi đa số trường công lập không muốn tuyển sinh riêng thì có nghĩa là vẫn thi 3 chung, nghĩa là không có chuyện sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh CĐ-ĐH như tinh thần nghị quyết 29.
Một chủ trương đúng đắn và cấp thiết như vậy mà phải chờ đến sau năm 2017, nghĩa là 4 năm nữa mới thực thi thì dư luận có quyền nghĩ răng nhận định: “Khó nhất là thay đổi được tư duy và nhận thức” mà Bộ trưởng Luận nêu trên là nói về ai đó chứ không phải về các quan chức của Bộ. 
Tại sao bao nhiêu “bộ óc vĩ đại” lại cứ luẩn quẩn chuyện chung riêng, chuyện trình phương án này nọ, rồi lại còn “ngăn sông cấm chợ” kiểu đã riêng thì riêng hẳn, không được động vào của chung… 
Giá như lãnh đạo Bộ lắng nghe các ý kiến đóng góp cách đây cả nửa năm về tuyển sinh năm 2014 thì sẽ thấy cách nghĩ hợp lý nhất là cách nghĩ bảo đảm tuân thủ Luật Giáo dục đại học, tuân thủ nghị quyết 29, không có chuyện chung riêng, không có lợi ích nhóm. 
Đó là cách tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông như một kỳ thi đại học, đó là kỳ thi duy nhất, thống nhất toàn quốc. Làm được điều này sẽ không lo chuyện chất lượng đề thi, không lo chuyện các trường tổ chức luyện thi, không lo tốn kém vì bớt được một kỳ thi mà chất lượng vẫn đảm bảo. 
Căn cứ vào kết quả thi các trường CĐ-ĐH lên phương án tuyển sinh, muốn kiểm tra năng khiếu, các kiến thức đặc thù có thể quy định hệ số các môn thi cho phù hợp, thế là hết phải bàn luận, hết phải tranh cãi mà cũng chẳng phải “xin cho" gì nữa.
Nghị quyết 29 nhận định việc triển khai các quan điểm của Đảng còn “chậm và lúng túng”. Rất nhiều học giả, cựu lãnh đạo lên tiếng thúc dục phải cải cách, lãnh đạo Bộ thì hứa “Quan điểm của Ngành là không đợi đến khi có đủ điều kiện mới bắt tay thực hiện”. 
Kết quả là chúng ta sẽ chờ thêm 4 năm nữa, cũng có người cho rằng lãnh đạo Bộ rất muốn đổi mới nhanh chóng đi vào cuộc sống nhưng rào cản là ở phía các trường (CĐ-ĐH). Ai cũng biết ba chung thì tha hồ tuyển chọn, thi riêng là không được động đến 3 chung, không được động đến thí sinh của trường khác thế nên chẳng có ai dại gì mà tuyển sinh riêng, ra đề nhỡ có nhầm lẫn là cầm chắc kỷ luật, vừa tốn thêm tiền của vừa không được tát vét thí sinh. Việc Bộ sẵn sàng giúp các trường tuyển sinh riêng chẳng qua là do các trường “nhờ vả” chứ thực lòng Bộ không muốn làm trái luật.
Trong văn học có giai thoại Puskin ngủ gật trong giờ địa lý, một người bạn trả lời thầy rằng “mặt trời mọc đằng tây”, thầy yêu cầu Puskin giải thích, nhà thơ tương lai bèn ứng khẩu đọc: 
Mặt trời mọc ở đằng Tây
Thiên hạ sống trên trái đất này
Ngơ ngác nhìn nhau và tự hỏi
Thức dậy hay là ngủ tiếp đây.
Thế mới biết, sự việc nào cũng có cách lý giải khiến người khác hài lòng, cũng như luật nào cũng tìm được kẽ hở để lách. Phải chăng đó mới là cuộc sống? 
Nguồn:http://giaoduc.net.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét